Xin được viết tặng mẹ tôi,
Sài gòn ngày 21-09-2007
“Ai… mua bánh đa kê khô…ô…n…ng !!!”
Giọng bà cụ bán hàng rong vang lên lanh lảnh, tiếng rao len lỏi, văng vẳng chui vào từng ngóc ngách của khu phố và chui tọt vào đôi tai đang vểnh lên của thằng nhóc còm mới chòm chèm 8 tuổi.
Đang mải mê ngắm nghía con cá chọi đầu đen xì, bộ cánh màu tím bạc óng ánh mà hôm qua nó mới đạp xe lên tận Nghi Tàm để rước về, nó nhảy xuống đất đánh “phịch” một cái.
“Mẹ ơi …! Bánh đa kê ….” Nó ù té chạy ra ngoài nhà nắm chặt lấy bàn tay của mẹ, níu lại, ngước mắt nhìn lên cầu khẩn, thèm thuồng. Mẹ nó nhìn nó mỉm cười, ánh mắt hiền từ trìu mến …
Đúng như suy nghĩ của nó, mẹ nó là người yêu nó nhất. Tất nhiên rồi !!! nó cũng yêu mẹ nó nhất rồi kế đó ….có lẽ tới … chiếc bánh đa kê của nó.
Chẳng phải chớp mắt cái nào, nó cắn phập vào ngay chiếc bánh đa kê to bằng 2 lần cái bàn tay của nó. Cứ mỗi lần cắn một miếng, nó lại thấy buồn… Buồn vì chiếc bánh của nó càng ngày càng nhỏ lại, mà sự thèm thuồng thì chẳng vơi đi chút nào.
Vị thơm lừng của những hạt đậu xanh, vị bùi của mứt dừa, vị ngọt của mật và cái cảm giác giòn tan khi đưa bánh đa kê vào miệng… cứ bám sâu vào vị giác của nó, len sâu vào những ký ức của nó, gắn liền với những kỉ niệm đẹp nhất của nó, gắn liền với mảnh đất đã sinh ra nó. Đối với nó, hình ảnh bánh đa kê đã là một phần của Hà Nội, một phần của thời ấu thơ và … là biểu tượng của sự ngon tuyệt hảo.
Thế rồi, thời gian cứ làm nhiệm vụ muôn thuở của mình. “Nó” đã rời xa mảnh đất cũ, tạm quên đi những ký ức thời ấu thơ để làm người lớn. Đối với nó, làm người lớn thật là sung sướng, muốn đi đâu cũng được, muốn ăn gì cũng được, chẳng cần phải níu tay mẹ van nài nữa cho dù… đến giờ này nó vẫn muốn được làm như thế !
Và rồi… nó cũng đã đi nhiều, được ăn nhiều thứ mà người đời cho là ngon nhất thiên hạ. Đúng thế ! ngon nhất thiên hạ mà cũng chẳng đem lại cho nó cái cảm giác lạ lùng của chiếc bánh đa kê ngày ấy. Nó bỗng thấy nhớ, nhớ đến đau đáu cảm giác được cắn ngập vào chiếc bánh đa kê ngày nào …
Hôm ấy, chuyến máy bay về đến Hà Nội vào một buổi chiều vào đông trời se lạnh. Ánh mặt trời xuyên qua những đám mây xám nhạt lạnh cóng ủ rũ như thiếu ngủ. Nó thu mình lại, hơi co ro với chiếc áo sơ mi mỏng mà chút ánh nắng mang vào từ phương Nam không đủ làm nó ấm lại. Qua bao năm tháng chưa về tới quê nhà, lòng nó nao nao kỳ lạ, đầu thì lại trĩu nặng lo lắng vì không biết nó sẽ học hành ra sao trong hai tuần tới.
Vừa kịp leo lên ghế cất chiếc va li vào trên tủ, bỗng nó muốn ngất đi vì sung sướng ….“Ai… mua bánh đa kê khô…ô…n…ng !!!”
Lần này nó lại nhảy phịch từ trên ghế xuống đất, vớ vội lấy cái ví rồi phóng tẹt ga ra đường. Vội vàng, lúng túng nó la toáng với theo bóng bà bán hàng rong đang tung tẩy phía trước. “Bánh đa kê !!! Bánh đa kê !!!”
Chẳng ngại ngùng, nó mua liền 2 chiếc bánh rồi lại cắn ngập vào với đầy sự hứng khởi. Nó cắn một miếng , hai miếng , rồi ba miếng … Có lẽ nếu có ai đó để ý đến nó lúc ấy thì chỉ thoáng thấy nó cau mày.
Hai tuần sau, nó về nhà với mẹ. Câu đầu tiên gặp mẹ, nó chỉ nói “Mẹ ơi, sao bây giờ bánh đa kê họ làm lạ quá, không còn được như lúc trước nữa mẹ ạ !”. Vẫn ánh mắt thân thương trìu mến ngày nào, bà mẹ nhìn nó mỉm cười “Chiếc bánh vẫn vậy con à! Có điều … con đâu còn giống như lúc trước nữa!”.
Sững sờ, nhưng nó hiểu rằng mẹ nó đã nói đúng … Sững sờ, vì trong suốt bao nhiêu năm, cứ mỗi lần nó cầm trong tay một loại bánh mới, trong đầu nó lại nghĩ “Không biết bánh này có ngon bằng bánh đa kê không nhỉ ?” và … câu trả lời lúc nào cũng là KHÔNG. Hóa ra, trong tiềm thức của nó, một chiếc bánh ngon là phải có mùi hương đậu xanh, vị bùi của dừa, vị ngọt của mật và cảm giác giòn tan của bánh đa kê. Tất cả cảm giác ấy đều đã được biểu tượng hóa khiến cho chính chiếc bánh đa kê cũng không còn giữ được hương vị độc tôn như trong tiềm thức của nó. Nó chợt cảm thấy nuối tiếc cho những chiếc bánh trước đây mà nó từng được thưởng thức. Giá mà …
Chợt bừng tỉnh, nó liền quay sang mẹ vừa cười vừa nói “ Tối nay hai mẹ con ra ngoài ăn tối nhé !”…