Với những bác sĩ Việt Nam từng đến tham quan và học tập tại Bệnh viện Sydney & Bệnh viện Mắt Sydney, hẳn ai cũng biết tới ga Martin Place. Đây là địa điểm xảy ra vụ khủng bố kinh hoàng năm 2014 khi một tay súng thánh chiến Hồi giáo cực đoan xông vào quán café Chocolate Lindt bắt giữ 17 khách hàng và nhân viên bên trong làm con tin.
Khép lại hồi ức đau thương đó, chúng ta cùng tìm hiểu về nguồn gốc của địa danh này. Martin Place là một khu vực đông đúc nằm trong CBD (quận thương mại và tài chính, Central Business District) của Sydney City. Nơi đây được đặt tên theo một chính trị gia nhập cư gốc Ireland, Sir James Martin (1820 – 1886). Nhân kỉ niệm 200 ngày sinh, vào 05/11/2020, người dân thành phố Sydney đã dựng tượng ông ở Martin Place.
Sinh ra trong một gia đình nghèo khổ ở Paramatta, khu vực phía Tây Sydney, James Martin nhận thức rõ giá trị của giáo dục và tin rằng đó là chìa khoá duy nhất giúp ông vượt qua nghịch cảnh và phát triển bản thân.
Cậu bé James Martin hồi ấy đã từng có những ngày phải đi bộ tới 20 km để đến trường học ở trung tâm Sydney. Cậu không lấy đó làm gánh nặng vì ngày ngày cậu được bầu bạn với những người nông dân và thương nhân cùng bươn chải mưu sinh trên con đường tấp nập ấy. Với tài năng viết thiên bẩm cùng vốn kiến thức phong phú nhờ chăm chỉ đọc sách trong suốt quá trình đi học, cậu đã tiến thân trong ngành báo chí từ vai trò của một phóng viên cho tới chủ bút của tờ The Australian. Từ đây Sir James Martin dần bước chân vào con đường chính trị để rồi sau đó trở thành Bộ Trưởng Bộ Tư pháp (General Attorney) và đạt đến đỉnh cao chói lọi của sự nghiệp ở vị trí Thủ hiến (Premier) Bang New South Wales.
Cuộc đời Sir James Martin là tấm gương sáng của sự kiên trì bền bỉ vươn lên. Vượt qua những hà khắc, bất công và định kiến của hệ thống giáo dục thuộc địa kiểu Anh cũ, ông thực sự đã toả sáng và truyền cảm hứng cho những người dân nghèo khổ đương thời.
Câu nói nổi tiếng: “Either I will find the way or I make it”, của ông hẳn khiến hậu thế chúng ta không khỏi suy nghĩ về triết lý sống của bản thân mình. Mỗi ngày chúng ta không ngừng kêu than về những bất công xã hội, về những khiếm khuyết của hệ thống mà quên rằng các nước phương Tây cũng đã từng đi qua con đường của chúng ta cách đây nhiều trăm năm. Xã hội của họ cũng đầy rẫy những ngang trái, tệ nạn, nghèo đói và khốn khổ trước khi chuyển mình để thành những thiên đường đáng sống mà chúng ta đang mơ ước.
Do đó, thay vì chỉ trích, mỗi người chúng ta nên cố gắng tự hoàn thiện bản thân, làm những gì tốt nhất có thể để không ngừng hướng tới sự chân thiện mỹ. Trong xu hướng ưa chuộng các giá trị phương Tây, nếu nói về những gì căn cốt nhất chúng ta nên học từ họ, thì tôi cho rằng đó chính là tinh thần không chịu khuất phục, dám dấn thân để cải thiện nghịch cảnh. Đừng bị loá mắt bởi những toà tháp xa hoa ở New York hay những công trình nguy nga tráng lệ ở Paris mà chúng ta hãy nhìn vào tổ tiên họ. Những Galileo Galilei, Giordano Bruno dám chết trên giàn thiêu của nhà thờ để bảo vệ lý tưởng khoa học của mình. Những Christopher Colombus, Ferdinan Magellan, James Cook với kĩ thuật hằng hải thô sơ, ra đi không hẹn ngày về, đã giương buồm chinh phục thế giới.
Hun đúc được tinh thần đó thì chắc chắn sẽ có ngày chúng ta biến Việt Nam trở thành quốc gia đáng sống để mỗi năm sẽ có những hàng dài công dân các nước khác phải xin thẻ cư trú và nhập tịch. Nghe có vẻ mơ mộng và hão huyền đúng không. Nhưng nền móng của những gì chúng ta đang khao khát ở họ trong thời điểm hiện tại cũng đều xuất phát từ những gì được cho là viển vông và ảo tưởng như thế cách đây hàng trăm năm. Một bầu không khí trong lành để bạn căng ngực hít thở, một ngụm nước tinh thiết bạn có thể uống thẳng từ vòi, một cuốn hộ chiếu đủ quyền lực để bạn có thể đi nhiều nơi trên thế giới trong 30 ngày mà không cần xin visa.
Những giấc mơ ấy có thành hiện thực ở nơi đất mẹ của chúng ta hay không phụ thuộc ở tôi, bạn và vào chúng ta.
Ask not what your country can do for you. Ask what you can do for your country.
John F. Kenedy
Nhân một ngày cuối tuần lên viện khám lại bệnh nhân sau mổ.