🔺Bài rất dài và chỉ dành cho những người thực sự quan tâm đến ứng cử Fellowship.
Xem thêm : Các con đường làm việc và định cư Úc cho bác sĩ Việt Nam
Fellowship là gì?
Tôi viết những dòng này khi đang ở trong khu cách ly bắt buộc của Sydney, thành phố hải cảng xinh đẹp với nhà hát con sò trứ danh. Cho đến lúc đặt chân xuống sân bay Kingsford Smith, tôi mới dám tin mình đã chạm tay đến một giấc mơ mà tôi đã mất trọn vẹn 4 năm để theo đuổi.
Giữa năm 2016, dưới sự đài thọ của Quỹ Học Mãi Đại học Sydney, tôi có may mắn được lần đầu tiên đến Úc để theo học về giáo dục y khoa và nghiên cứu khoa học. Sau thời gian lý thuyết, tôi được đi kiến tập ở một bệnh viện đăng ký theo chuyên ngành từ trước và may mắn là tôi được phân về Bệnh viện Mắt Sydney.
Trong tâm trí tôi lúc đó, con đường du học ngành Y chỉ có Master, PhD, Postdoc. Nếu muốn học lâm sàng, hầu như chỉ có con đường đi Pháp như các thầy cô, anh chị trước đây. Nhưng nửa chữ tiếng Pháp bẻ đôi tôi cũng không biết, vậy có cách nào để tôi được theo học một chương trình thực hành mà trong đó tôi được thăm khám, điều trị, phẫu thuật cho bệnh nhân như các bác sĩ của nước sở tại.
Câu hỏi ấy cứ trở đi trở lại trong đầu tôi mà không có lời đáp. Tìm hiểu hệ thống ở Mỹ, tôi biết được ở bậc học chuyên khoa sâu (clinical fellowship), điều kiện tối thiểu là tôi phải đỗ kì thi chuẩn hóa quốc gia USMLE ít nhất step 1 và thậm chí có bang còn đòi step 2. Như vậy thì quá khó vì từ ngày học nội trú, kiến thức Nội – Ngoại – Sản – Nhi và khoa học cơ bản của tôi chỉ còn mỏng như tờ giấy. Vậy thì con đường nào là phù hợp với một bác sĩ nội trú chuyên khoa quá hẹp như tôi?
Nói đên đây, có lẽ tôi phải giải thích thêm về bậc học fellowship. Ở hệ thống của các nước Anh/Mỹ/Úc (tôi không biết về châu Âu và một số nước châu Á tiên tiến nên không dám bàn), sau bậc học chuyên khoa chung (resident/registrar), những bác sĩ muốn phát triển trong chuyên ngành đều phải trải qua bậc đào tạo fellowship.
Các chương trình chuyên khoa sâu của ngành Mắt gồm
- Giác mạc và bệnh lý bán phần trước (Cornea & Anterior Segment Fellowship)
- Glôcôm (Glaucoma Fellowship)
- Võng mạc ngoại khoa (Surgical Retina Fellowship)
- Võng mạc nội khoa (Medical Retina Fellowship)
- Viêm màng bồ đào (Uveitis Fellowship)
- Mắt trẻ em (Pediatric Ophthalmology Fellowship)
- Tạo hình (Oculoplastic Fellowship)
- Thần kinh nhãn khoa (Neuro-Ophthalmology Fellowship)
Các loại Fellowship
Clinical Fellowship khác với Research Fellowship là chương trình đào tạo nghiên cứu viên tập sự, thường là để chuẩn bị cho PhD và Postdoc sau đó. Cả 2 chương trình đều trả lương cho người theo học, nhiều ít tuỳ nguồn fund. Tuy nhiên trong Clinical Fellowship, người theo học phải xin chứng chỉ hành nghề kèm cặp (undersupervision registration) theo quy định, được tham gia khám, điều trị và thực hiện các phẫu thuật/thủ thuật như một bác sĩ của nước sở tại.
Trong thời gian chuẩn bị đăng ký một chương trình Clinical Fellowship, các bác sĩ có thể đăng ký chương trình Observership (kiến tập) để làm quen về mặt bệnh, phương thức hoạt động, quy định làm việc của bệnh viện đồng thời dành thêm điểm cộng (credit) khi tham gia phỏng vấn tuyển đầu vào.
Và ông trời đã không phụ lòng người. Trong thời gian kiến tập, tôi đã phát hiện ra Bệnh viện Mắt Sydney có một chương trình đào tạo fellowship tuyển đầu vào cạnh tranh toàn cầu, không giới hạn quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó bác sĩ được đào tạo ở Việt Nam cũng có cơ hội tham dự.
Các yêu cầu căn bản của chương trình gồm:
- Đã tốt nghiệp bác sĩ nội trú hoặc tương đương
- Có chứng chỉ hành nghề
- Có kinh nghiệm phẫu thuật (với chuyên ngành glôcôm, bệnh viện yêu cầu biết mổ Phaco)
- IELTS 7.0 trở lên trong đó không có kĩ năng nào dưới 7 (đây là yêu cầu của AHPRA – cơ quan quản lý hành nghề y của Úc)
- Có kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu khoa học
Con đường của tôi
Biết được cơ hội của đời mình đã đến, trong 3 năm liền từ 2017 – 2019, nén nỗi đau mất mẹ, tôi đã dồn mọi nguồn lực của bản thân để từng bước đáp ứng tất cả các yêu cầu của bệnh viện. Trước hết là phải hoàn thành chương trình nội trú vào cuối 2017 để lấy chứng chỉ hành nghề vào đầu 2018. Tiếp đến là tận dụng mọi cơ hội để được theo học cùng và giúp việc cho các chuyên gia quốc tế. Các chương trình của Sight For All, Orbis, Hawaiian Eye Foundation và chương trình Thạc sĩ Nhãn khoa quốc tế của Đại học Sydney đã giúp tôi hoàn thành mục tiêu này.
Một ngọn núi khác đó chính là kinh nghiệm phẫu thuật. May mắn thay, sau khi tốt nghiệp nội trú, hai người đàn chị-đàn anh đã giang tay thu nhận, giúp tôi học phẫu thuật Phaco là TS.BS Nguyễn Thu Hương, Nguyên Giám đốc và TS.BS Đỗ Văn Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Đông. Sau 2 năm lăn lộn, cuối cùng tôi cũng lấy xong bằng phaco và chính thức mon men vào con đường của một phẫu thuật viên nhãn khoa.
Về kinh nghiệm giảng dạy, tôi không quá vất vả vì may mắn được các thầy tạo điều kiện tham gia công tác đào tạo của bộ môn từ lúc còn học nội trú. Với nghiên cứu khoa học, tôi chập chững những bước đầu tiên từ việc viết một Letter to the editor. Sau đó tôi chắt chiu, tận dụng mọi dữ liệu có trong tay để chuyển hóa thành công bố quốc tế và ở thời điểm apply, tôi đã có một số vốn nhỏ các bài báo với đa dạng thể loại từ Letter, Case Report cho tới Original Article.
Thử thách cuối cùng và cũng là ngọn núi cao không kém so với Phaco chính là IELTS. Cô điều phối viên của chương trình luôn dặn tôi rằng: “ Dù hồ sơ của mày có đẹp cỡ nào nhưng IELTS không đạt thì cũng tập xác định fail”. Do vậy ngay từ đầu tôi đã xác định phải đầu tư thật chất lượng cho mục tiêu này. Nhờ sự giới thiệu của cô giáo IELTS cũ là Vũ Tuyết Trang giờ đã bỏ nghề chuyển sang làm nhân viên ngoại giao, tôi biết được một thầy giáo có tiếng trong làng luyện IELTS là thầy Vũ Hải Đăng. Nhờ sự kèm cặp của thầy Đăng mà sau 2 lần thi trong 8 tháng, cuối cùng tôi cũng được 7.5 overall trong đó writing vừa đủ thoát 7.0.
Thời cơ đã đến
Giáp trụ đã đầy đủ, tôi bước vào giai đoạn quyết định là chuẩn bị cho buổi phỏng vấn. Rất may mắn, nhờ tự bỏ tiền để observe ở Khoa Glaucoma của viện gần 1 năm trước đó nên tôi đã biết được tương đối về môi trường làm việc ở đây. Ngoài ra tôi cũng có cơ hội được làm quen với các fellow đến từ nhiều nước khác nhau trên thế giới do vậy khi chuẩn bị phỏng vấn, tôi đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ họ. Và hard work pays off, tôi đã nhận được offer cho vị trí glaucoma fellow của bệnh viện như một sự tưởng thưởng xứng đáng với những nỗ lực của mình.
Tuy nhiên mọi thứ chưa dừng lại ở đây. Nhận được offer nhưng để có thể chính thức sang làm việc, tôi phải trải qua một cuộc thử thách cân não không kém với giai đoạn apply trước đó. Theo quy định, tôi cần chuẩn bị bằng cấp giấy tờ để xin chứng chỉ hành nghề và visa. Quy trình trải qua 3 bước AMC (Hội đồng y khoa quốc gia Úc) – RANZCO (Trường môn nhãn khoa hoàng gia Úc – New Zealand) – AHPRA (Cơ quan quản lý hành nghề Úc) và Immigration (xin visa nhập cảnh).
Với AMC và RANZCO, tôi mở tài khoản của AMC và EPIC (cổng thông tin của tổ chức ECFMG Hoa Kỳ). Sau đó tôi upload bản scan bằng đại học và nội trú lên EPIC để ECFMG gửi thư về Trường Đại học Y Hà Nội. Trường kí đóng dấu và gửi trả lại qua đường bưu điện thì ECFMG mới gửi bản report cho AMC để xác nhận đúng là tôi dùng bằng thật. Căn cứ trên report của AMC, RANZCO gửi thư đồng thuận (approval) để tôi được học fellowship ở Úc cho AHPRA. AHPRA (ALPS-30 pathway) là chặng sau cùng và cùng là chặng mệt mỏi nhất vì form đăng ký lằng nhằng và yêu cầu giấy tờ rất phức tạp (ước tính khoảng trên dưới 20 loại khác nhau phải đóng dấu Đại sứ quán Úc, xác thực lãnh sự Bộ ngoại giao Việt Nam và dịch công chứng theo tiêu chuẩn riêng của AHPRA). Đây chỉ là nội dung tóm lược, trong mỗi chặng này còn rất nhiều chuyện “hậu trường ” mà nếu sau này thực sự bạn nội trú nào muốn theo đuổi tôi sẽ chia sẻ lại. Ròng rã 5 tháng trời, sau khi mất khoảng 100 triệu tiền lo cho các thủ tục giấy tờ và các chi phí liên quan, tôi đã có trong tay visa, travel exemption (quy chế đặc cách nhập cảnh) và chứng chỉ hành nghề của AHPRA.
Hãy cố gắng – Fellowship không phải là giấc mơ
So với cả cuộc đời con người, 4 năm chỉ là một cái chớp mắt. Nhưng với tôi 4 năm ấy có lẽ sẽ là một trong những chặng đường mà tôi không thể quên với đủ mọi cung bậc cảm xúc. Qua bài viết này, tôi muốn nhắn gửi với các bạn nội trú rằng 3 năm của các bạn chỉ mới là bắt đầu. Nói theo nhà sáng lập tập đoàn Daewoo thì thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm. Chúc các bạn thành công!
Cảm ơn BS Thanh Tùng đã chia sẻ bài viết rất tâm huyết ạ!
Em cũng rất mong nghe được chia sẻ của BS Ruan Tran ( BS Trang )- mà mọi người hâm mộ từ lâu về con đường hành nghề tại Úc dành cho BS VN đam mê Tiếng Anh