
Kính đa tiêu

Kính nội nhãn đơn tiêu hay đa tiêu và Monovision
Đục thủy tinh thể là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mù lòa không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Cách điều trị hiệu quả và hầu như là duy nhất cho đến thời điểm hiện nay là phẫu thuật thay thủy tinh thể kèm đặt kính nội nhãn. Trong các loại kính đang lưu hành trên thị trường, chỉ có đơn tiêu được bảo hiểm chi trả, trong khi Toric, Crystalens và đa tiêu thuộc nhóm kính có kèm điều chỉnh loạn thị lại không. Bài viết chỉ đề cập so sánh giữa khả năng của đơn tiêu và đa tiêu trong một vài nghiên cứu đồng thời sơ lược về khái niệm Monovision để chúng ta có cái nhìn tổng quan hơn trong việc lựa chọn kính phù hợp với tình trạng kinh tế bệnh nhân.
Đúng với tên gọi của nó, đơn tiêu chỉ cho phép thị lực bệnh nhân được cải thiện ở khoảng cách đã xác định, còn đa tiêu điều chỉnh được nhiều tiêu cự ở khoảng cách khác nhau. Tuy nhiên, đa tiêu lại đem đến nhiều tác dụng phụ cho bệnh nhân như lóa mắt, quầng, giảm độ tương phản màu sắc, giảm thị lực trung gian [1]. Chính vì lý do này, đa tiêu còn nhiều hạn chế về chỉ định, đặc biệt với nhóm đối tượng làm các ngành nghề cần phân biệt hình ảnh, lái xe, làm việc trong phòng tối và cận thị. Bệnh nhân có thể mất 9 đến 12 tháng để thích nghi được với kính, thậm chí không thể dung hợp được các tác dụng phụ này [2]. Lúc đó, cách giải quyết trong trường hợp gây khó chịu, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt thường nhật hoặc công suất tính toán không chính xác là thay IOL [3]. Ngược lại, đối với bệnh nhân sử dụng kính đơn tiêu từ đầu, nếu không đạt mục tiêu thị lực đề ra, chỉ cần cho bệnh nhân đeo kính ngoài để bù trừ độ khúc xạ điều chỉnh.
Vậy vấn đề đặt ra ở đây là, nếu có thể giải quyết được khoảng cách thị lực ở bệnh nhân đơn tiêu thì đa tiêu sẽ mất đi lợi thế của mình đồng thời tạo điều kiện cho bệnh nhân đặt kính với giá thành thấp hơn hay không?

MONOVISION là gì?
Khái niệm Monovision ra đời ban đầu được giải thích như việc đeo kính với một mắt nhìn xa và một mắt để nhìn gần trong điều trị lão thị. Trên thực tế, thị lực từng mắt đều sẽ được điều chỉnh hài hoà với nhau để tạo thành thị giác 2 mắt. Áp dụng nguyên tắc này lên phân khúc điều trị đục thủy tinh thể hướng đến mục tiêu nhằm đạt thị lực tối đa cho IOL đơn tiêu ở nhiều khoảng cách mà không cần kính.
Nguyên tắc: Xác định mắt thuận cho thị lực nhìn xa, mắt không thuận cho thị lực nhìn gần hoặc trung gian. Sau khi phẫu thuật với mắt đầu tiên, mắt thứ 2 sẽ đặt mục tiêu chênh lệch dao động phụ thuộc vào từng loại Monovision lựa chọn [4], [5]:
- Mini/Micro/Nano – monovision: chênh lệch khúc xạ từ -0.50D – -0.75D, tập trung điều chỉnh thị lực trung gian.
- Modest/Medium – monovision: chênh lệch khúc xạ từ -1.00D – -1.50D
- Full Monovision (traditional/ classical/conventional): chênh lệch khúc xạ -1.75D – -2.50D.
- Hybrid Monovision: Sử dụng đơn tiêu cho mắt thuận nhìn xa và đa tiêu cho mắt còn lại nhìn trung gian và gần.
Các con số có thể thay đổi tùy thuộc nghiên cứu nhưng tối ưu đề nghị thường trong khoảng -1.50D đến -1.75D.
Chống chỉ định: bệnh lý khác ở mắt gây đe doạ thị lực và loạn thị không điều chỉnh được bằng phẫu thuật. [4]
Chống chỉ định tương đối: Lé ẩn ngoài, một mắt thuận quá ưu thế và đục T3 trẻ em.[4]
Một nghiên cứu đoàn hệ từ khoa Mắt Đại học Michigan năm 2011 đã so sánh về mức độ hài lòng giữa BN đặt kính đa tiêu ReSTOR SN60D3 và đơn tiêu AcrySof SN60WF trong giai đoạn từ tháng 7/2007 đến tháng 6/2009. Các yếu tố khảo sát bao gồm: thị lực nhìn xa, trung gian và gần của 2 mắt chưa hiệu chỉnh, khả năng nhìn hình nổi, phụ thuộc kính, triệu chứng chủ quan sau mổ và độ hài lòng của BN. Kết quả đưa ra cho thấy mặc dù thị lực nhìn chung ở nhóm đa tiêu cho kết quả tốt hơn, nhưng khác biệt hầu như không đáng kể, trong khi, thị lực trung gian của nhóm đơn tiêu đạt monovision tốt hơn, ít phụ thuộc vào kính khi sử dụng thiết bị điện tử nhiều hơn, tạo nên sự khác biệt có ý nghĩa thống kê so với nhóm còn lại. Độ hài lòng ở nhóm đơn tiêu cao hơn, ít than phiền và tốn ít chi phí hơn do có bảo hiểm chi trả.[6]
Một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng khác trên 212 bệnh nhân đánh giá tác dụng ngoại ý cũng với các tiêu chí thị lực như trên cho kết quả đa tiêu ưu việt hơn [7], tuy nhiên, theo GS. Paul R. Lichter, nghiên cứu này lại được tài trợ bởi một hãng phân phối IOL đa tiêu với hiệu chỉnh thị lực nhìn gần để đạt monovision trung bình là -0.923D. Với độ hiệu chỉnh này, bệnh nhân dùng đơn tiêu không thể đạt thị lực tối ưu được. Nhóm đa tiêu cũng cho thấy có 5.7% bệnh nhân phải thay kính trong khi đơn tiêu thì không cần. Chúng ta cũng cần đặt ngược câu hỏi, liệu những nhận xét này có phần ưu ái cho dòng kính đơn tiêu dưới sự chi trả của bảo hiểm hay không?
Kết luận: Monovision có thể giải quyết được phần nào vấn đề điều chỉnh thị lực ở kính nội nhãn đơn tiêu so với đa tiêu. Cân nhắc giữa lợi và hại, chỉ định và chống chỉ định để lựa chọn loại kính phù hợp không chỉ với mong muốn và tình hình kinh tế từ phía bệnh nhân mà còn với đánh giá từ chính phẫu thuật viên.
Thị lực nhìn gần: Mono < Multi
Thị lực trung gian: Mono > Multi
Thị lực hình nổi: Mono < Multi
Bảng so sánh đơn giản
Tham khảo
- Niels DE VRIES, R.N. Multifocal Intraocular Lenses for the Treatment of Presbyopia: Benefits and Side-effects. 2011 11/09/2020]; Available from: https://www.pointsdevue.com/article/multifocal-intraocular-lenses-treatment-presbyopia-benefits-and-side-effects.
- Dalton, M. Multifocal IOLs may be more involved than initially thought. 2007; Available from: https://www.eyeworld.org/article-multifocal-iols.
- Woodward, M.A., J.B. Randleman, and R.D. Stulting, Dissatisfaction after multifocal intraocular lens implantation. J Cataract Refract Surg, 2009. 35(6): p. 992-7.
- Binder, S.P. Choosing between monovision and multifocals. 04/2019 11/09/2020]; Available from: https://www.eyeworld.org/choosing-between-monovision-and-multifocals.
- Pseudophakic Monovision. 02/18/2020 11/09/2020]; Available from: https://entokey.com/pseudophakic-monovision/.
- Zhang, F., et al., Visual function and patient satisfaction: Comparison between bilateral diffractive multifocal intraocular lenses and monovision pseudophakia. J Cataract Refract Surg, 2011. 37(3): p. 446-53.
- Wilkins, M.R., et al., Randomized trial of multifocal intraocular lenses versus monovision after bilateral cataract surgery. Ophthalmology, 2013. 120(12): p. 2449-2455 e1.