Thần kinh thị
Khi ánh sáng vào mắt con người, nó sẽ đem ảnh của thế giới bên ngoài chiếu lên võng mạc (Hình 1). Từ võng mạc, tín hiệu hình ảnh từ ánh sáng sẽ được chuyển thành tín hiệu điện và được dẫn truyền đi bằng một hệ thống dây dẫn thần kinh được gọi là các sợi trục. Các sợi trục này tập trung vào với nhau và thoát ra khỏi mắt ở một lỗ thủng trên thành nhãn cầu gọi là gai thị (Hình 2) và từ đây dây thần kinh thị được hình thành. Dây thần kinh thị có chức năng dẫn truyền tín hiệu đến các cấu trúc của não bộ và kết thúc ở vỏ não vùng chẩm phía sau đầu. (Hình 4). Dây thần kinh thị có liên quan mật thiết đến bệnh glôcôm.
Bệnh Glôcôm
- Còn gọi là bệnh cườm nước (Tiếng Anh : Glaucoma, Tiếng Pháp: Glaucome)
- Là một bệnh lý thần kinh thị với những biến đổi đặc trưng về gai thị và thị trường
Yếu tố nguy cơ chủ đạo của bệnh glôcôm là tăng nhãn áp
Phần lớn các trường hợp bị bệnh glôcôm có đi kèm với tăng nhãn áp. Nếu không có tăng nhãn áp thì có tên riêng gọi là bệnh glôcôm nhãn áp bình thường.
Nhãn áp tăng cao được coi là nguyên nhân trực tiếp khiến cho vùng lá sàng (Lamina cribosa – LC) mỏng đi và bị đẩy cong ra phía sau . Điều này dẫn tới gián đoạn dẫn truyền qua sợi trục. Hậu quả là thoái hóa và tế bào hạch chết theo chương trình, tiếp theo là tổn thương sợi trục và tổn thương các tế bào thần kinh tham gia vào quá trình dẫn truyền thị giác dẫn tới tổn thương thị giác không hồi phục (Hình 7). Các sợi trục này mất đi sẽ dẫn tới hình ảnh gai thị bạc màu đi và hình thành lõm gai ngày càng rộng quan sát thấy khi khám bệnh (Hình 5).
Diễn tiến bệnh glôcôm
Nếu không được điều trị kịp thời, thị trường bệnh nhân bị thu hẹp dần và sẽ dẫn tới mù lòa. (Hình 8)