Định nghĩa hiện tượng biến dạng hình
Hiện tượng biến dạng hình hay sự méo ảnh được mô tả đầu tiên bởi Forster, sau đó là Knapp và Wundt trong thế kỷ 19 như là một trong những dấu hiệu sớm và đặc trưng nhất của bệnh võng mạc cận thị và thoái hóa hoàng điểm tuổi già. Sau đó, Amsler mô tả và định nghĩa chi tiết hơn triệu chứng thị giác này.
Biến dạng hình được định nghĩa là sự lệch hướng hình ảnh của một trong hai đường dọc hoặc ngang, được mô tả bởi bệnh nhân, và bao gồm những rối loạn thị giác đầu tiên đôi khi xuất hiện trước biểu hiện lâm sàng của bệnh lý hoàng điểm.
Thỉnh thoảng, biến dạng hình được bệnh nhân mô tả như là sự không ổn định của thị giác, thay vì nói rõ là sự méo mó của hình ảnh, và được gây ra bởi những hoạt động vô thức và không tự ý của mắt trong việc cố gắng định thị vào vật thể.
Phân loại hiện tượng biến dạng hình
- Biến dạng hình thể thu nhỏ: thường gặp hơn, hình ảnh của vật nhỏ hơn kích thước thật sự.
- Biến dạng hình thể phóng đại: hiếm gặp hơn, hình ảnh của vật to hơn kích thước thật sự.
Sự biến dạng hình không những ảnh hưởng đáng kể đến khả năng đọc và tiếp nhận hình ảnh của bệnh nhân, mà nó còn góp phần rất lớn trong việc làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bên cạnh đó, sự biến dạng hình có thể là một yếu tố quan trọng để theo dõi kết quả về mặt chức năng của những phương pháp điều trị các bệnh lý hoàng điểm.
Sinh lý bệnh của hiện tượng biến dạng hình
Từ thế kỉ 19, nguồn gốc của hiện tượng biến dạng hình được cho là do sự dịch chuyển của các yếu tố tiếp nhận (tế bào nón) trong võng mạc gây ra sự định khu hình ảnh sai lạc.
Amsler cho rằng sự thay đổi của lớp võng mạc phía ngoài và lớp hắc mạc là các yếu tố gây ra sự biến dạng hình và ám điểm. Hơn nữa, ông còn chỉ ra rằng cơ sở hình thái học của sự biến dạng hình không thể được phát hiện một cách đầy đủ bằng giải phẫu bệnh lý, bởi vì sự chết, sự ngưng kết hóa học trong nhãn cầu và các thao tác xét nghiệm đã phá hủy và biến đổi đáng kể cấu trúc của những yếu tố cảm thụ của võng mạc vùng hoàng điểm.
Với sự ra đời của máy chụp cắt lớp võng mạc cố kết quang học (SD-OCT), ta có thể đánh giá võng mạc trên cơ thể sống một cách chi tiết theo từng lớp. Do đó, mối tương quan chi tiết giữa sự biến dạng hình và những biểu hiện trên OCT đã được báo cáo, từ đó phần nào làm sáng tỏ giả thuyết trước đây, vốn cho rằng sự thay đổi ở mức độ thụ thể ánh sáng là nguyên nhân chính gây ra biến dạng hình.
Gần đây, nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy có mối liên quan giữa sự biến dạng hình và vi cấu trúc vùng hoàng điểm. Wantanabe và cộng sự ghi nhận rằng những bệnh nhân bị màng trước võng mạc có triệu chứng biến dạng hình thì có lớp nhân trong dày hơn. Okamoto và cộng sự cho rằng có mối liên quan giữa sự biến dạng hình và vi cấu trúc hố hoàng điểm trung tâm ở bệnh nhân bị màng trước võng mạc: mức độ biến dạng hình bị ảnh hưởng chủ yếu bởi sự dày lên của lớp nhân trong và lớp tế bào hạch, nhưng không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của lớp võng mạc ngoài.
Mặc dù cơ chế chính xác tại sao sự dày lên của lớp võng mạc phía trong lại gây ra sự biến dạng hình còn chưa hoàn toàn rõ ràng, nhưng các tác giả này gợi ý rằng nguyên nhân có thể do sự thay đổi của các tế bào ngang, tế bào lưỡng cực, tế bào amacrine, đặc biệt là tế bào Muller – tất cả đều nằm trong lớp nhân trong. Do đó, chức năng bình thường của khe tiếp hợp thần kinh bị ức chế và độ nhạy cảm của các thụ thể ánh sáng bị giảm sút, từ đó gây ra sự biến dạng hình. Thêm vào đó, sự dày lên của lớp tế bào hạch và lớp nhân trong tự nó cũng có thể làm giảm chất lượng thị giác. Các tế bào Muller hoạt hóa và phì đại (ví dụ sau bong pha lê thể một phần) có vai trò chủ đạo trong sự hình thành màng trước võng mạc kết hợp với sự dính các sợi pha lê thể vào các tế bào Muller tại điểm tiếp xúc pha lê thể – võng mạc. Theo cách này, các tế bào Muller sẽ góp phần tạo thành mô sẹo đệm và làm tăng sự rò rỉ mạch máu bằng cách tiết ra các yếu tố tăng trưởng. Agte và cộng sự ghi nhận sự ảnh hưởng của hình dạng tế bào Muller và hướng liên quan đến chất lượng truyền sáng, đã gián tiếp phản ánh vai trò quan trọng của tế bào Muller trong sinh lý bệnh của sự biến dạng hình.
Wiecek và cộng sự cho rằng sự biến dạng hình không phải chỉ do sự dịch chuyển của các lớp võng mạc gây ra sự định vị sai lệch của ánh sáng lên võng mạc, mà còn do sự kết hợp của những thay đổi võng mạc với quá trình xử lý hình ảnh ở vỏ não, chủ yếu sau diễn tiến lâu dài của bệnh lý hoàng điểm hoặc sau điều trị bệnh lý hoàng điểm. Do vậy, sự biến dạng hình có thể bị ảnh hưởng bởi thông tin về kích thích / ngoại cảnh, thông tin trên / dưới, và sự tái sắp xếp vỏ não.
Để đánh giá và phát hiện biến dạng hình chúng ta có khá nhiều phương pháp khác nhau và tôi sẽ đề cập đến trong bài kế tiếp: Các phương pháp phát hiện sự biến dạng hình.
Tham khảo
- Midena, E. and S. Vujosevic, Metamorphopsia: An Overlooked Visual Symptom. Ophthalmic Res, 2015. 55(1): p. 26-36.
- Micropsia (wiki)
Một điều rất thú vị là “Hội chứng Alice ở xứ sở thần tiên”, một tình trạng thần kinh liên quan đến cả biến dạng hình phóng to và biến dạng hình thu nhỏ, được đặt tên theo cuốn tiểu thuyết nổi tiếng thế kỷ 19 “Alice’s Adventures in Wonderland của Lewis Carroll”. Trong câu chuyện này nhân vật chính là Alice đã trải qua vô số tình huống tương tự như biến dạng hình phóng to và biến dạng hình thu nhỏ. Người ta đã suy đoán rằng tác giả Carroll có thể đã viết câu chuyện bằng kinh nghiệm trực tiếp của chính mình bị biến dạng hình thu nhỏ đi kèm với bệnh lý đau nửa đầu của ông. Người ta cũng cho rằng Carroll có thể đã bị chứng động kinh thùy thái dương.
Bài viết khá kỹ về biến dạng hình do võng mạc.
Tuy nhiên, bỏ qua vấn đề thuật ngữ, biến dạng hình (nhìn hình to ra hay nhỏ lại, hay méo hình…) là một hiện tượng thị giác phức tạp, có nhiều nguyên nhân khác nhau:
1. khúc xạ: ví dụ khi nhìn qua kính lúp , khi mổ với khv sẽ thấy vật lớn ra…
2. võng mạc là lĩnh vực bài viết đã đề cập.
3. não (chủ yếu là thuỳ chẩm, thái dương và đỉnh). thuộc về nhận thức thị giác.
+Nguyên nhân khúc xạ và võng mạc: làm cho người ta nhìn hình biến dạng (nhìn sai với thực tế) thuộc nhóm illustion (tạm dịch ảo ảnh). Chỉ xảy ra ở mắt bịnh. Khi nhắm mắt lại biến hình sẽ mất. Đây là ng x mắt, thuộc phần đưa thông tin thị giác.
+Nguyên nhân não: cũng có thể làm cho nhìn sai như ảo ảnh, nhưng quan trọng là làm cho người ta thấy cái không có thực trước mắt mình gọi là ảo giác thị giác (Hallucination). Xảy ra 2 mắt, và ko biến mất khi nhắm mắt lại. Kiểu như người ta “thấy” khi mơ.
+ Ngoài ra có thể kể nhóm nguyên nhân nữa là do thuốc: các thuốc ma tuý gây ảo giác…cũng có thể làm cho người ta thấy hình to ra, nhỏ lại, hay bay bỏng trong không trung…Tuy nhiên, những thuốc này tác động lên não, nên có thể xếp vào nguyên nhân não.
Khi Lewis Carroll viết cuốn “Alice’s Adventures in Wonderland”, có thể ông đã từng trải nghiệm (Hallucination) mình to ra khi nhỏ lại hay sự thay đổi về thời gian lúc rơi vào hang thỏ. Nhận thức thị giác là một phạm trù vừa tâm thần học, vừa triết học liên quan tới vấn đề vật chất và ý thức.