Trẻ khi mắc COVID-19 thường có triệu chứng nhẹ, thoáng qua, đa số khỏi bệnh rất nhanh nếu không có kèm các yếu tố nguy cơ cao. Tuy nhiên, 1 – 2 tháng hậu COVID, trẻ có thể mắc MIS-C với các dấu hiệu ban đầu bao gồm viêm kết mạc và phát ban. Nếu không can thiệp kịp thời, tình trạng có thể chuyển nặng, dẫn đến tử vong sau đó.
3 bệnh nhi nam, độ tuổi từ 5 đến 8, nhập viện sau 5 ngày sốt, đau bụng, nôn ói, phát ban và đỏ mắt. Cả ba đều có triệu chứng vào sốc, suy hô hấp với các dát hồng ban, sưng nề mi, viêm kết mạc và xuất huyết dưới kết mạc. Tất cả đều cho kết quả PCR (-) với SARS-CoV-2 nhưng 2 trường hợp trong số đó test kháng thể (+), và 1 trường hợp từng là F1.
Công thức máu: tăng neutrophil, giảm lympho và tiểu cầu; tăng CRP, procalcitonin, D-dimer, fibrinogen, ferritin, và pro-BNP.

ECG: giảm EF (40%-50%), giãn mạch vành ở 2 ca.
Chẩn đoán: Hội chứng viêm đa cơ quan ở trẻ em (MIS-C)
Điều trị: 1 ca thở máy xâm lấn và 2 ca không xâm lấn (NIV), dịch truyền bolus, vận mạch, methylprednisolone (10 mg/kg/ngày trong 3 ngày) and IVIG (2 g/kg), and aspirin (3 mg/kg/ngày).
Kết quả: Cả 3 trường hợp đều được xuất viện sau 5 – 7 ngày, chuyển sang dùng cort đường uống và aspirin trong 4-6 tuần sau xuất viện.
Bài viết này sẽ chỉ tập trung vào chẩn đoán chứ không đi quá sâu về điều trị MIS-C thuộc mảng hồi sức cấp cứu Nhi – một phần vì bản thân mình tự nhận không có đủ kiến thức về lĩnh vực trên.
I. Hội chứng MIS-C là gì?
MIS-C (Multisystem inflammatory syndrome in children) là Hội chứng viêm đa cơ quan ở trẻ em có liên quan đến tiền căn nhiễm SARS-CoV2. Ở người lớn, tình trạng này được gọi là MIS-A với các triệu chứng gần tương tự nhưng ít rầm rộ và hiếm gặp hơn. Cơ chế gây nên MIS-C chưa được biết rõ. Các giả thiết đưa ra có thể là do các phản ứng miễn dịch bất thường của cơ thể đáp ứng muộn với kháng nguyên virus.

Biểu hiện MIS-C gần giống với bệnh Kawasaki (KD), hội chứng sốc nhiễm độc (TSS), hội chứng hoạt hóa đại thực bào sau nhiễm khuẩn (MAS), hội chứng thực bào máu thứ phát (SHLH), nhưng nguyên tắc điều trị sẽ có nhiều khác biệt khi trong MIS-C sẽ thiên về đánh vào cơ chế đông máu và tổn thương đa cơ quan (phổi, thận, não, tim) của COVID hơn.
II. Biểu hiện lâm sàng:

Theo WHO, các biểu hiện lâm sàng đã được ghi nhận trong MIS-C bao gồm:
- Sốt kéo dài trên 3 ngày
- Có ít nhất 2 triệu chứng đi kèm:
- Nổi ban hoặc viêm kết mạc không sinh mủ 2 mắt hoặc có các dấu hiệu viêm của da niêm
- Hạ huyết áp hoặc sốc
- Có các đặc trưng của rối loạn chức năng tim mạch
- Rối loạn đông máu
- Triệu chứng tiêu hóa: nôn ói, tiêu chảy hoặc đau bụng
- Cận lâm sàng: tăng các marker viêm như ESR, CRP, Procalcitonin.
- Tiền căn nhiễm SARS-COV2
- Loại trừ nguyên nhân vi sinh khác gây viêm
Tiêu chuẩn của WHO và CDC gần tương đương nhau, chỉ khác nhau về phổ tuổi và thời gian kéo dài sốt. WHO đánh giá MIS-C ở nhóm tuổi từ 10 tuổi trở xuống với sốt trên 3 ngày trong khi CDC cho chẩn đoán ở nhóm dưới 21 tuổi với sốt trên 24 giờ.
III. Hướng tiếp cận trẻ có triệu chứng MIS-C (CDC):
- Theo dõi tại ICU
- Thực hiện các xét nghiệm:
- Công thức máu
- Sinh hóa máu, gồm cả BUN/Cre
- Xét nghiệm chức năng gan (ALT, AST, albumin, bilirubin)
- Các dấu ấn tim: troponin và pro-BNP
- Tổng phân tích nước tiểu + cấy nếu có chỉ định
- Khí máu động mạch, chú ý lactate
- Marker viêm: ESR, CRP, procalcitonin, ferritin, triglycerid, IL-6 nếu có
- Bilan đông máu: PT, PTT, fibrinogen, D-dimer
- Creatinine kinase, lactate dehydrogenase
- Cấy máu
- Huyết thanh chẩn đoán SARS-CoV-2
- Mẫu bệnh phẩm mũi hầu hoặc tỵ hầu tìm SARS-CoV-2 bằng RT-PCR; xét nghiệm phân nếu có triệu chứng chỉ điểm đường tiêu hóa
- Các xét nghiệm bổ sung có thể được chỉ định: soi tươi/ nuôi cấy từ mẫu bệnh phẩm tỵ hầu/ mũi hầu/ phân, PCR virus từ mẫu máu hoặc huyết thanh chẩn đoán loại trừ các nguyên nhân khác gây viêm cơ tim, xét nghiệm di truyền tìm HLH, thụ thể IL-2 hòa tan, chức năng tế bào NK
3. Hình ảnh:
- Siêu âm bụng hoặc CT nghi ngờ
- X-quang ngực
- ECG 12 chuyển đạo
- Siêu âm tim
- Tham vấn chuyên môn sớm với các bác sĩ Nhi, Hồi sức Cấp cứu, Tim mạch, Huyết học, Nhiễm, Dị ứng, Thần kinh, Cơ xương khớp để hỗ trợ xử trí.
IV. Kết luận:
Cần đặc biệt chú ý trong giai đoạn này nếu có trẻ đến khám vì viêm kết mạc. Đánh giá chính xác, tránh bỏ sót MIS-C để kịp thời xử trí vì đây là bệnh lý nguy hiểm, cần nằm hồi sức tích cực với khả năng tử vong cao.
Tài liệu tham khảo:
- Angurana, S. K., Kumar, A., & Malav, T. (2021). Hemorrhagic Nonpurulent Conjunctivitis in MIS-C. Indian journal of pediatrics, 1–2. Advance online publication. https://doi.org/10.1007/s12098-021-03773-x
- Nakra NA, Blumberg DA, Herrera-Guerra A, Lakshminrusimha S. Multi-System Inflammatory Syndrome in Children (MIS-C) Following SARS-CoV-2 Infection: Review of Clinical Presentation, Hypothetical Pathogenesis, and Proposed Management. Children (Basel). 2020 Jul 1;7(7):69. doi: 10.3390/children7070069. PMID: 32630212; PMCID: PMC7401880.
- Radia T, Williams N, Agrawal P, Harman K, Weale J, Cook J, Gupta A. Multi-system inflammatory syndrome in children & adolescents (MIS-C): A systematic review of clinical features and presentation. Paediatr Respir Rev. 2021 Jun;38:51-57. doi: 10.1016/j.prrv.2020.08.001. Epub 2020 Aug 11. PMID: 32891582; PMCID: PMC7417920.
- National Center for Immunization and Respiratory Diseases. Information for Healthcare Providers about Multisystem Inflammatory Syndrome in Children (MIS-C). 2021
- WHO. Multisystem inflammatory syndrome in children and adolescents with COVID-19. 2020