Tại sao phải chọn kính soi góc tiền phòng?
Còn nhớ thời xa xưa ấy, tôi còn nhớ được nghe Thầy tôi là GS.TS Lê Minh Thông giảng về “góc tới hạn” của góc tiền phòng. Chuyện tia sáng từ góc tiền phòng khi đi qua mặt phân cách từ môi trường chiết suất cao qua môi trường chiết suất thấp mà góc tới vượt qua “góc tới hạn” thì tia ló sẽ phản xạ trở lại nghe thật kỳ bí. Có lẽ chuyện này giống như ý tưởng một hố đen vũ trụ đâu đó hút được tia sáng vào trong. Nói túm lại là chúng ta không thể quan sát được góc tiền phòng nếu không có “công cụ hỗ trợ” đó chính là kính soi góc. Cách đây vài hôm, một đồng nghiệp của tôi có băn khoăn về việc chọn mua kính soi góc và có hỏi tôi về vấn đề này. Số là tôi có làm một video về cách chọn kính soi đáy mắt và cũng được khá nhiều bạn đồng nghiệp quan tâm. Tôi nghĩ rằng có thể viết một bài về cách chọn kính loại trừ được lỗ đen tiền phòng mà các bạn thích thì không chừng tên tuổi có thể sánh vai với các nhà thiên văn học như Trịnh Xuân Thuận hay Stephen Hawkins chăng?
Một gương hay nhiều gương?
Một gương soi góc thì chắc chắn là rẻ hơn nhiều gương phải không nào? Càng nhiều gương soi góc trên cùng một kính thì bạn càng đỡ phải xoay kính để quan sát hết tiền phòng. Nếu một kính soi góc 4 gương thì về lý thuyết bạn sẽ không phải xoay kính để xem. Lười mà có phong cách đấy! Nhưng mà các bạn cần nhớ là tuy không xoay kính soi nhưng vẫn phải xoay đèn khe của sinh hiển vi vuông góc với gương khảo sát mới quan sát đúng chuẩn được nhé.
Tuy nhiên vấn đề không chỉ đơn thuần là xoay nhiều hay xoay ít mà còn có sự thoải mái dễ chịu cho bệnh nhân. Xoay nhiều thì làm lâu hơn, chiếu đèn lâu hơn và đương nhiên khó chịu đối với bệnh nhân hơn. Cái gì cũng có cái hay cái dở của nó.
Kính soi góc tiền phòng có vành hay không vành?
Vành kính dùng để làm gì?
Một số loại kính soi góc tiền phòng có vành kính ở phần tiếp xúc với nhãn cầu. Vành kính này cũng trông giống như vành của cái nón, mục đích của nó là giúp cho kính soi góc bám trên bề mặt bệnh nhân tốt hơn. Soi góc vốn không phải là một khám nghiệm dễ chịu gì đối với bệnh nhân nên cũng rất khó có thể yêu cầu bệnh nhân “giữ yên” mắt. Vành kính giúp bác sĩ đỡ mệt hơn đặc biệt là đối với những người không làm khám nghiệm thường xuyên.
Nói đến chuyện không có vành có một trường hợp ngoại lệ đó là kính 3 gương Goldmann. Tuy rằng kính không có vành nhưng kích thước đáy kính đặt vào mắt khá lớn và có sử dụng chất nhầy nên bám rất chặt vào mắt. Thế nhưng cuộc đời chẳng có gì hoàn hảo, đáy kính Goldmann to quá nên đặt vào mắt khó khăn nhất là ở mắt người VIệt Nam hốc mắt nhỏ và cả những bệnh nhân nhíu chặt mắt lại khi đặt kính vào mắt nữa . Tôi còn nhớ có thời soi góc cho một bà cụ lớn tuổi có sa da mí và hốc mắt nhỏ, các bạn có thấy quen quen không?, cả bác sĩ và bệnh nhân đều khóc. Kính có vành cũng gặp phải nhược điểm này.
Ưu nhược điểm của vành kính
Trên thị trường có loại kính bốn gương và không có vành. Đặc điểm loại kính này là đáy đặt vào mắt kích thước nhỏ và thậm chí không cần dùng chất nhầy. Điều đó càng quan trọng khi ngày nay việc kiếm được chất nhầy để soi góc không còn dễ dàng như xưa. Điểm đặc biệt của loại kính này là giúp soi góc động, nghĩa là có thể chủ động ấn để xem góc có mở ra hay không. Đây là một trong những điểm cơ bản để phân biệt đóng góc và dính góc. Điều này không thể thực hiện với kính ba gương Goldmann và khó thực hiện với kính có vành.
Thế nhưng không phải cái gì cũng hay cả. Vì không có vành và kích thước tiếp xúc nhỏ nên khi khám bác sĩ có thể ấn vào giác mạc của bệnh nhân và do đó nhận định góc tiền phòng không được chính xác. Thế nên khi dùng loại kính này thì phải chọn điểm tỳ tay cố định cho thật tốt và rèn luyện thật nhiều. Trong quá trình thực hiện cần quan sát bề mặt giác mạc có bị nhăn hay không. Đơn giản thế thôi…
Các bạn có biết không, một trong những điểm mạnh của loại kính này mà ít người nói tới là vai trò trong điều trị. Loại kính này có thể sử dụng để đè mở góc trong cơn góc đóng cấp bằng phương pháp on-off. Nghĩa là ép 30s rồi nhả ra rồi lặp lại cho đủ 3 lần. Dễ quá mà phải không?!
Có cần phóng đại hay không?
Một số loại kính soi góc tiền phòng tích hợp với độ phóng đại. Đây là phóng đại quang học nên đương nhiên là chi tiết của góc sẽ nhìn được rõ hơn. Nếu kính soi góc của bạn không có mức phóng đại thì có thể sử dụng các mức phóng đại của sinh hiển vi thay thế. Tuy nhiên như vậy là sẽ thêm một bước cho một thủ thuật đã có quá nhiều bước phải không nào. Nếu kính của bạn có độ phóng đại thì cần lưu ý mức phóng đại là bao nhiêu khi sử dụng laser để làm các thủ thuật của góc vì nó sẽ làm thay đổi kích thước điểm đốt!!!
Kính soi góc tiền phòng có dùng nhầy hay không?
Những loại kính soi góc tiền phòng cần phải sử dụng nhầy thường là loại không bám sát vào mắt mà tạo một độ vồng phía trên giác mạc bao gồm kính Goldmann và kính có vành. Việc sử dụng chất nhầy cũng làm cho thủ thuật mất thời gian hơn và khiến cho các khám nghiệm sau đó khó làm hơn ví dụ như soi đáy mắt, chụp đáy mắt, đo thị trường… Lợi điểm của các loại kính này là khả năng ổn định của kính rất cao nên phù hợp cho việc thực hiện các thủ thuật laser điều trị.
Kính soi góc tiền phòng cần tay cầm hay không?
Kinh nghiệm cá nhân của tôi thì không sử dụng tay cầm bởi vì muốn cố định được kính phải thực hành khá lâu do không có điểm tì trên má bệnh nhân như loại không có tay cầm. Mặt khác vị trí cầm ở ngoài trường quan sát sẽ khó khăn hơn do phải dùng một “cánh tay đòn” để điều khiển vị trị của kính.
Kính soi góc tiền phòng cần chất liệu nào?
Cái này thì quan điểm của tôi rất rõ ràng, các bạn phải chọn gương kính chứ không chọn acrylic là loại rẻ tiền hơn. Kính soi góc bằng kính (glass) bền hơn, có bề mặt quang học tốt hơn, màu sắc trung thực hơn.
Kính soi góc tiền phòng của tôi?
Lời khuyên của tôi là các bạn nên thử tất cả các loại kính sẵn có nếu được để chọn cho mình loại phù hợp nhất. Kính soi góc là một loại kính gắn bó rất lâu dài với sự nghiệp bác sĩ nhãn khoa của bạn nên các bạn chắc chắn phải đầu tư cả thời gian và kinh phí nữa.
Nếu các bạn tò mò muốn biết loại kính của tôi đang sử dụng là loại nào thì tôi xin phép bật mí luôn! Kính của tôi là loại 4 gương soi, không có vành và có độ phóng đại. Lý do là vì nó phù hợp với những nhu cầu mà tôi mong muốn và đương nhiên trên cõi ta bà này thì điều tôi muốn không có nghĩa là điều bạn muốn!
Thế còn bạn, bạn chọn loại kính soi góc nào? Hãy còm phía dưới nha, tôi chờ ý kiến của các bạn.
Dear Doctor,
Greetings !
It is an amazing article. So very well explained and written.
Thank you so much.
best Regards,
Vivek